Sau khi sinh, Sức khỏe - Dinh dưỡng trẻ sơ sinh

Cẩm nang từ A-Z tiêm vacxin viêm não Nhật Bản phòng tránh bệnh

Viêm não Nhật Bản là bệnh nguy hiểm, do virus gây ra, trẻ em là đối tượng dễ bị nhiễm bệnh. Hiện nay vacxin viêm não Nhật Bản đã có trong chương trình tiêm chủng mở rộng ở nhiều cơ sở y tế. Vì thế, mẹ cần theo dõi và đưa trẻ đi tiêm chủng đúng thời gian để bảo vệ sức khỏe tốt cho con.

Sau khi sinh, trẻ sẽ được chích ngừa một số loại vacxin phòng ngừa bệnh, trong đó bắt buộc phải có mũi vacxin viêm não Nhật Bản. Đây là phương pháp mẹ giúp trẻ tránh được bệnh viên não Nhật Bản do virus gây nên.

Viêm não Nhật Bản là gì?
Viêm não Nhật Bản còn được gọi là viêm não mùa hè, viêm não B. Đây là một bệnh nhiễm virus cấp tính ở thần kinh trung ương rất nguy hiểm, với tỷ lệ tử vong cao từ 10-25% và nguy cơ để lại di chứng nặng nề. Bệnh do muỗi truyền một loại virus, liên quan đến sốt xuất huyết, sốt vàng da và virus Tây sông Nile. Virus tồn tại trong một chu kỳ lây truyền giữa muỗi, lợn và các loài chim nước.

Bé sẽ nhiễm bệnh khi bị muỗi mang virus đốt. Viêm não Nhật Bản có thể gây dịch và có tính chất theo mùa. Các vùng thuộc Trung Quốc, phía Đông Liên bang Nga, Nam Á và Đông Nam Á (bao gồm Việt Nam) là điểm nóng căn bệnh này.

Ở Việt Nam, loại muỗi gây bệnh này sinh sản mạnh vào mùa nóng, đỉnh điểm là từ tháng 6 – tháng 10.

Triệu chứng viêm não Nhật Bản với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ hoàn toàn khác với trẻ lớn. Cụ thể:

1. Dấu hiệu viêm não Nhật Bản ở trẻ nhỏ
Các dấu hiệu không điển hình và khó phát hiện. Thông thường khi nhiễm virus viêm não Nhật Bản, bé nôn ói nhiều, thóp phồng, khóc nhiều dỗ không nín hoặc bé khóc nhiều hơn khi được bế hoặc làm thay đổi tư thế, gồng cứng người.

 

2. Dấu hiệu viêm não Nhật Bản ở trẻ lớn
Ở giai đoạn khởi phát, trẻ thường sốt cao từ 39-40ºC, kèm đau đầu, buồn nôn và nôn. Sau đó dẫn đến co giật, co cứng cơ và lú lẫn.

Giai đoạn toàn phát là dấu hiệu ở não, màng não và rối loạn thần kinh thực vật.

– Dấu hiệu màng não có 2 triệu chứng phổ biến là “cứng gáy” và dấu hiệu Kernig phải do bác sĩ khám và xác định.
– Rối loạn vận động thể hiện nhiều như co cứng cơ mặt, co giật, run giật, liệt nửa người, mất vận động ngôn ngữ.
– Triệu chứng thần kinh thực vật có thể kể đến nhiệt độ cơ thể dao động, xanh tái, rối loạn hô hấp, tăng tiết đờm dãi, nhịp tim nhanh, chướng bụng, nôn.
– Các triệu chứng tâm thần chủ yếu là rối loạn ý thức với các mức độ khác nhau từ u ám, ngủ gà đến hôn mê sâu.trẻ có thể sốt 39-40 độ C

Những biến chứng nghiêm trọng của bệnh viêm não Nhật Bản
Trẻ mắc bệnh viêm não Nhật Bản có thể xuất hiện những biến chứng sớm như viêm phế quản, viêm phổi. Trong quá trình điều trị có thể bị rối loạn dinh dưỡng, viêm bể thận, bàng quang do thông tiểu, viêm tắc tĩnh mạch.

Những biến chứng nặng nề hơn có thể kể đến là bại hoặc liệt nửa người, mất ngôn ngữ, rối loạn phối hợp vận động, giảm trí nhớ nghiêm trọng, rối loạn tâm thần. Di chứng để lại thường là động kinh, nghe kém hoặc điếc, rối loạn tâm thần.

Triệu chứng ban đầu của viêm não Nhật Bản rất giống các bệnh viêm nhiễm khác, đến ngày 2-3 mới có biểu hiện sốt. Nhiều gia đình thấy trẻ nôn ói nhiều thì dùng thuốc chống nôn, sẽ làm mờ đi triệu chứng của viêm não Nhật Bản, làm bác sĩ khó chẩn đoán. Vì vậy, ngay khi thấy con sốt cao không hạ được nhiệt độ, bạn phải cho trẻ nhập viện theo dõi để có cách xử trí kịp thời.

Lịch tiêm vacxin phòng bệnh viêm não Nhật Bản cho trẻ
Tiêm vacxin viêm não Nhật Bản đầy đủ và đúng lịch là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất để bảo vệ trẻ nhỏ tránh những bệnh nguy hiểm.

Tiêm chủng 3 liều vắc xin cơ bản:

– Mũi 1 khi trẻ 1 tuổi
– Mũi 2 sau mũi 1 từ 1-2 tuần
– Mũi 3 sau mũi 2 một năm
Sau đó, cứ mỗi 3–4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi

Theo quy định về lịch tiêm phòng viêm não Nhật Bản ở Việt Nam, thì mũi tiêm đầu tiên khi trẻ từ 12 đến 15 tháng tuổi. Có 2 loại vacxin viêm não Nhật Bản:

– Vacxin bất hoạt tinh khiết sản xuất từ não chuột (JE-MB, JE-VAX)
– Vacxin bất hoạt tinh khiết từ tế bào Vero (JE-VC)
– Vacxin viêm não Nhật Bản (JE-VAX)

Vacxin viêm não Nhật Bản (JE-VAX) dùng để dự phòng bệnh viêm não Nhật Bản cho mọi đối tượng người lớn và trẻ em từ đủ 12 tháng trở lên.

Liều tiêm đối với vacxin JE-VAX: từ 1 tuổi đến 3 tuổi tiêm 0,5 ml/liều. Trẻ trên 3 tuổi và người lớn tiêm 1,0ml/liều.

Liều gây miễn dịch cơ bản:

Mũi 1: lần đầu đến tiêm
Mũi 2: sau mũi tiêm thứ nhất 1-2 tuần
Mũi 3: sau mũi thứ nhất 1 năm
Liều tiêm nhắc lại: Được nhắc lại bằng 1 mũi vacxin khoảng 3 năm sau liều gây miễn dịch cơ bản.

Vacxin viêm não Nhật Bản (JE-VC)

Vacxin viêm não Nhật Bản (JE-VC) dùng cho đối tượng từ 17 tuổi trở lên với liều lượng 0,5ml tiêm bắp 2 liều cách nhau 28 ngày. Vacxin này cần được tiêm trước ít nhất 1 tuần khi tiếp xúc với nguồn bệnh.

Cũng như các loại vacxin khác, khi tiêm vacxin viêm não Nhật Bản sẽ có một tỷ lệ nhất định người có thể bị tác dụng phụ như:

– Tại chỗ tiêm có thể bị đau, sưng, đỏ
– Một số ít có phản ứng toàn thân như sốt nhẹ, đau đầu, mệt mỏi

Sau khi tiêm phòng vacxin viêm não Nhật Bản, mẹ cần theo dõi liên tục trong vòng 30 phút để phản ứng, xử lý kịp thời những tác dụng phụ của thuốc có thể xảy ra. Mẹ đừng quá lo lắng, phản ứng phụ sau khi tiêng chủng ở bé chỉ xuất hiện khoảng vài giờ và tự hết từ 1 đến 2 ngày.

Ngoài ra, có một tỷ lệ rất nhỏ là khoảng 1/1 triệu mũi tiêm có thể gặp choáng hay còn gọi là sốc phản vệ sau khi tiêm trong vòng vài giờ. Với trường hợp này, cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để điều trị kịp thời.

Những câu hỏi thường gặp về vacxin viêm não Nhật Bản
1. Trẻ chích ngừa viêm não Nhật Bản có bị sốt không?
Khi trẻ được chích ngừa viêm não Nhật Bản, bé có thể sẽ gặp một số tác dụng phụ:

– Khoảng 5-10% trẻ bị sưng đỏ, đau ngay tại chỗ tiêm
– Sốt nhẹ, đau đầu, mệt mỏi nhưng chỉ xuất hiện trong vài giờ đồng hồ, tự khỏi sau 1-2 ngày
– Tỷ lệ trẻ gặp phải các tác dụng phụ ở mũi tiêm thứ 2 hoặc 3 thường cao hơn so với mũi đầu tiên

Theo thống kê, cứ 1 triệu mũi tiêm có 1 trường hợp có thể bị choáng (sốc thuốc) sau khi tiêm trong vòng vài giờ. Trường hợp này cần được đưa ngay tới cơ sở y tế gần nhất để xử lý kịp thời.

Nếu trẻ bị sốt sau khi tiêm vacxin viêm não Nhật Bản, cha mẹ có thể xử lý bằng cách đơn giản sau:

– Bù nước và các ion điện giải để tránh mất nước.

– Cho trẻ uống oresol đúng cách.

– Chọn các loại thức ăn dễ tiêu, dạng lỏng, chứa nhiều vitamin nhóm A, B, E, C

 

Tắm cho bé bằng nước ấm, trong phòng kín. Nếu bé sốt cao trên 38,5ºC, nên cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo hướng dẫn của bác sĩ.

2. Tiêm phòng vacxin viêm não Nhật Bản ở đâu?
Vacxin viêm não Nhật Bản được tiêm phòng phổ biến, các mẹ có thể đưa con đến các điểm tiêm chủng của trạm y tế xã, huyện vào ngày tiêm chủng thường xuyên khi trẻ. Ngoài ra, các bà mẹ có thể đưa trẻ đến tiêm tại các phòng tiêm chủng dịch vụ.

Một số địa chỉ tiêm phòng viêm não Nhật Bản tại TP. HCM và Hà Nội:

-Viện Pasteur: 252 Nam Kỳ Khởi Nghĩa phường 8, quận 3
-Bệnh viện Nhi Đồng 1: 532 Lý Thái Tổ, phường 10, quận 10
-Bệnh viện Nhi Đồng 2: 14 Lý Tự Trọng, phường Bến Nghé, quận 1
-Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương: 1 Yecxanh, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
-Bệnh viện Nhi Trung ương: 18 ngõ 879 La Thành, Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội

3. Chích ngừa viêm não Nhật Bản giá bao nhiêu?
Loại vacxin viêm não Nhật Bản mới có giá dao động khoảng 700.000 đồng/1 mũi tiêm.

4. Có được tiêm cùng lúc hai loại vacxin viêm não và viêm màng não mủ?
Vacxin viêm màng não mủ và viêm não Nhật Bản đều cần thiết để bảo vệ sức khỏe của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Vacxin viêm não Nhật Bản không phòng được bệnh viêm màng não mủ, do vậy mẹ nên đưa trẻ đi tiêm tiếp vacxin phòng bệnh này.

Vacxin phòng viêm màng não mủ còn gọi là vacxin Act-HIB. Hai vacxin này vốn không ảnh hưởng gì đến nhau. Nếu tiêm cùng thời gian với vacxin viêm màng não Nhật Bản thì cần phải tiêm ở vị trí khác nhau. Nếu quá lo lắng, sợ bé bị sốt mà không rõ xuất phát từ loại vacxin được tiêm nào thì chỉ nên tiêm 1 mũi/lần.

5. Quên tiêm nhắc lại mũi tiếp theo cần phải làm gì?
Mẹ cần biết rằng mũi tiêm đầu tiên chỉ có tác dụng hình thành nên lượng kháng thể cần thiết, nếu không tiếp tục tiêm mũi 2 và 3, kháng thể sẽ bị mất đi theo thời gian (chỉ từ 2-4 tuần) và không còn hiệu lực phòng bệnh nữa.

– Đã tiêm mũi 1, quá hạn mũi 2 nhưng chưa tiêm nhắc lại: Mũi 2 cần được tiêm ngay sau mũi 1-4 tuần, nếu quá hạn cần đưa trẻ đi tiêm lại từ đầu.
– Đã tiêm mũi 1, mũi 2 nhưng quá hơn 1 năm chưa tiêm lai mũi 3: Ngay lập tức đưa trẻ đi tiêm nhắc mũi 3 viêm não Nhật Bản ngay lập tức, lúc này kháng thể chưa mất hết và còn đủ điều kiện để hình thành.

6. Những trường hợp nào không nên tiêm vacxin viêm não Nhật Bản?
– Người có cơ địa quá mẫn cảm với thiomersal hoặc với các chế phẩm của não chuột, có dị ứng với vacxin viêm não Nhật Bản lần tiêm trước.
– Đang sốt cao hoặc mắc bệnh nhiễm khuẩn đang tiến triển.
– Mắc bệnh tim, gan, thận, đái tháo đường giai đoạn nặng, bệnh ung thư máu và các bệnh ác tính.
– Trẻ em dưới 12 tháng tuổi và phụ nữ có thai

Trên đây là tất cả thông tin về vacxin viêm não Nhật Bản mà mẹ có tham khảo và lên kế hoạch tiêm phòng cho trẻ để tránh bệnh. Vinanoi hy vọng sẽ luôn được đồng hành cùng mẹ trên những tháng ngày nuôi dạy con đầy thú vị và thử thách.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *